Tin tức

Xoài Cao Lãnh vươn ra thị trường thế giới

Xoài Cao Lãnh vươn ra thị trường thế giới

Xoài Cao Lãnh là một trong những đặc sản lừng danh không chỉ trong nước mà còn được nhiều nước biết đến. Xoài cát Cao Lãnh Đồng Tháp có trọng lượng trung bình 350-450g, hình thon dài, khi chín vỏ màu vàng nhạt. Thịt xoài ít xơ, mềm mà hơi dai, lại rất ngọt và thơm. Khi ăn miếng xoài tan nhẹ trong miệng và vị ngọt dịu vẫn còn đọng mãi trên đầu lưỡi. Xoài này giàu lượng acid amin rất cần thiết cho cơ thể. Xoài Cát Cao Lãnh Đồng Tháp được canh tác và chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP có thể truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ … nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới một nền sản xuất sạch – an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo cho xoài Cao Lãnh vươn ra thị trường thế giới.

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL, với hơn 9.300 ha, bình quân mỗi năm cho sản lượng hơn 90 ngàn tấn xoài các loại, tập trung nhiều nhất tại huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.

Đồng Tháp có 2 nhóm giống xoài, nhóm xoài địa phương: xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài bưởi, xoài Thanh Ca...; nhóm xoài nhập nội: xoài Đài Loan, xoài Thái Lan. Tuy nhiên, giống xoài cát chu chiếm tới 70% và xoài cát Hòa Lộc chiếm 20%. Đây là những loại xoài đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, xuất khẩu tốt. Hiện nay hơn 80% nhà vườn trồng xoài áp dụng kỹ thuật bao trái, giúp nâng cao chất lượng.

Đồng Tháp còn có 33,6 ha xoài đạt chứng nhận GlobalGAP và 48 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP. Nhiều địa phương sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã giảm được 80% các loại hóa chất, năng suất đạt hơn 20 tấn trái/ha, trái rất đẹp. Mỗi ki lô gam xoài sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn, có giá cao hơn từ 5.000 – 8.000 đồng. Ngoài ra, nhờ xử lý ra hoa rải vụ nên xoài Đồng Tháp cung cấp cho thị trường gần như quanh năm.

Trái xoài  Cao Lãnh nổi tiếng đã được thị trường thế giới đón nhận.

Nhà vườn Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện trồng 2 giống xoài ngon là cát Hòa Lộc và cát chu, cho trái quanh năm, đảm bảo thực hiện các hợp đồng tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...

Thời điểm tháng 6 năm 2018, giá xoài tại vườn vào cao điểm thu hoạch chính vụ. Mặc dù đã thực hiện các giải pháp để tránh cảnh trúng mùa mất giá, nhưng do sản lượng lớn và đụng hàng với nhiều loại trái cây khác cũng đang vào mùa thu hoạch nên giá xoài tại Đồng Tháp vẫn bị rơi chạm đáy so với nhiều năm qua. Giá xoài bán ra tại vườn 8.000 đồng/kg, giảm đến mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Tuy nhiên về lâu dài thì đây là loại trái cây có giá trị kinh tế cao vì là một trong giống xoài ngon nổi tiếng của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài, từ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, cải tạo giống, xử lý hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch.

Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu xoài tập trung, chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Để trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bao trái hiện là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng trái xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, dễ tiêu thụ và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” và việc xây dựng mã số vùng trồng cũng được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng giúp nông dân xuất khẩu loại trái cây này. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, trước mắt là xây dựng mô hình sản xuất xoài đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP. Việc áp dụng GAP là xu hướng tất yếu để trái xoài thâm nhập thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang từng bước xây dung mô hình GAP trên xoài. Đến nay có 2 mô hình đạt chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích hơn 33 ha tập trung ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; Hai mô hình đạt chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 48 ha và cấp chứng nhận vùng sản xuất xoài đủ điều kiện an toàn cho 48 ha. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc xử lý ra hoa rải vụ nên trái xoài Đồng Tháp cung cấp cho thị trường quanh năm. Tỉnh đã thực hiện mô hình sản xuất xoài rải vụ, góp phần khắc phục tình trạng thu hoạch tập trung vào một thời điểm, hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, biện pháp trước mắt là không tăng diện tích, nâng cao chất lượng để tái cơ cấu ngành hàng xoài; đồng thời nhà vườn trồng xoài phải canh tác rải vụ, có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất theo quy hoạch. Đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện các khâu bảo quản, chế biến và nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất xoài. 

Đồng Tháp và Tiền Giang đóng vai trò cung ứng đầu vào, sản xuất và chế biến, trong khi Long An  có ưu thế về hậu cần logistics Riêng lĩnh vực liên kết vùng để phát triển chuỗi giá trị nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười và trái xoài được định hướng sản phẩm có giá trị và thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế với hai sản phẩm Cát Chu và Cát Hòa Lộc trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp hơn 6.000 ha và Tiền Giang hơn 3.900 ha, phục vụ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và xuất khẩu.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã thống nhất hỗ trợ cho UBND Huyện Cao Lãnh mua máy in phun logo và mã code truy xuất nguồn gốc trực tiếp lên trái xoài cho Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (H.Cao Lãnh) nhằm giúp người mua phân biệt xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh.

Việc phun logo và mã code hạn chế được các trường hợp mua bán tháo bỏ và gắn nhãn hiệu khác lên xoài làm ảnh hưởng đến uy tín nhãn hiệu xoài Cao Lãnh.

Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống và tiêu thụ thông qua liên kết, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã sáng tạo tiêu thụ qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”, đây là mô hình đã kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trồng xoài có ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (nằm trên địa bàn xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) hầu hết hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã ngày càng thích ứng với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường để xuất khẩu..

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ xoài với doanh nghiệp giúp xoài Cao Lãnh tiêu thụ ổn định và xoài Cao Lãnh đã xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Nga... Bên cạnh đó, vùng sản xuất nhãn Idor theo tiêu chuẩn an toàn của huyện Châu Thành cũng đang tất bật đóng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay tỉnh  Đồng Tháp với hơn 416 ha, nhân rộng mô hình bao trái xoài được trên 85% diện tích. Việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn.

Để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập được 2 hợp tác xã, 29 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp cho: Công ty Long Uyên, Công ty Injae Corporation – Hàn Quốc, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty TNHH Cuộc sống tốt lành – good life, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức.

Tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác chứng nhận GAP đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga thông qua các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Đa số các loại xoài liên kết được bao trái, trồng theo VietGAP giá cao hơn xoài thường từ 5.000-10.000 đồng/kg , đồng thời tiết kiệm được 5-7 lần phun xịt thuốc, cho lãi từ 200-220 triệu đồng/ha. Trong khi đó xoài không bao trái, không trồng theo VietGAP, không liên kết tiêu thụ chỉ lãi từ 150-160 triệu đồng/ha.

Cao Lãnh có diện tích trồng xoài nhiều nhất tỉnh với hơn 3.600 ha, trồng nhiều nhất là xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc cho năng suất hơn 11 tấn trái/ha, sản lượng bình quân năm hơn 40 ngàn tấn. Đây cũng là huyện thực hiện trồng xoài theo chuỗi giá trị. Hơn 80% diện tích trồng xoài áp dụng kỹ thuật bao trái, có 5 ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, hơn 21 ha được chứng nhận GlobalGAP và hàng chục ha trồng theo hướng hữu cơ.

Đồng thời mô hình trồng xoài rải vụ qua đó giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao.Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ giá bán cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần, với lợi nhuận trung bình mỗi hecta trồng xoài cát Hòa Lộc là 120 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với xoài cát Chu.

Vừa qua tỉnh Đồng Tháp còn đưa ra đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Riêng lĩnh vực liên kết vùng để phát triển chuỗi giá trị nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười và trái xoài được định hướng sản phẩm có giá trị và thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế với hai sản phẩm Cát Chu và Cát Hòa Lộc trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp hơn 6.000 ha và Tiền Giang hơn 3.900 ha, chiếm khoảng 25% diện tích xoài đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm tăng lượng xoài để đáp ứng yêu cầu của các nhà tiêu thụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh đã hỗ trợ Hợp tác xã liên kết với các nhà vườn cùng dự án vườn cây ăn trái ở ven Quốc lộ 30 như: thị trấn Mỹ Thọ, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây... để sản xuất xoài đạt chuẩn và làm vệ tinh cung ứng xoài chất lượng cao.

Thông qua Hội Làm vườn thành phố Cao Lãnh, Hợp tác xã cũng vận động và hướng dẫn kỹ thuật bao trái cho các hộ làm vườn ở các xã có diện tích trồng xoài lớn để sản xuất xoài theo hướng an toàn.

Ngoài thực hiện liên kết thì một ý tưởng mới đang được đặt nhiều kỳ vọng là Hợp tác xã sẽ vận động các hộ trồng xoài tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất rải vụ,  để đảm bảo lượng xoài phân bổ đều trong năm, không tập trung thu hoạch rộ vào chính vụ như hiện nay.

Theo đó, với kinh nghiệm của mình, những hộ trồng xoài giỏi sẽ tập trung sản xuất từ tháng 6 – 10 để có thể ứng phó với thời tiết khó khăn do mưa bão. Thời điểm ít mưa từ tháng 2 – 5 là những hộ sản xuất khá, còn lại sẽ sản xuất từ tháng 11 đến tháng 01 năm sau vì đây là thời điểm vào vụ nên dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, để tăng thu nhập cho nhà vườn cũng như nâng cao giá trị xoài Cao Lãnh trong thời gian tới việc chế biến các sản phẩm từ xoài hết sức quan trọng, xoài có thể làm mứt, làm nước ép, thạch xoài …

Hiện sản phẩm xoài Cao Lãnh đã có thương hiệu với nhãn mác, bao bì, mẫu mã nhất định được thị trường trong và ngoài nước biết đến, bước đầu tạo được niềm tin, khích lệ cho nhà vườn mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất theo hướng Việt GAP, GlobalGAP. Qua đó, nâng cao được uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần đưa thương hiệu xoài Cao Lãnh phát triển lên một tầm cao mới.

Nguồn: VITIC

Đang xem: Xoài Cao Lãnh vươn ra thị trường thế giới

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng