– Có 94% lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam được bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, có chưa đến 1% trong số đó được xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này hay nói cách khác có đến trên 99% được bán tiểu ngạch.
Có chưa đến 1% xoài được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong ảnh là xoài được trưng bày bên lề hội thảo. Ảnh: Trung Chánh |
Báo cáo với tiêu đề “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam” được tổ chức vào hôm nay, 12-4, ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, xuất khẩu xoài hàng năm đạt khoảng 160.000-170.000 tấn, trong đó, có 94% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo này, trong số 94% sản lượng xoài được xuất khẩu sang Trung Quốc, thì chỉ có 0,08% (tương đương 141 tấn) được xuất khẩu theo đường chính ngạch, tức có đến trên 99% phải xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang quốc gia tỉ dân này (số liệu được ghi nhận vào năm 2019 – PV).
Còn ông Tạ Quang Kiên, Trưởng phòng Chính sách Thương mại nông sản của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng kiêm ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam năm ngoái đạt gần 181 triệu đô la Mỹ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 152 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 83,95% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của năm ngoái; sang Nga đạt trên 8,3 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,65% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; sang Hàn Quốc chiếm 1,87%; sang Liên minh châu Âu (EU) chiếm 1,38%; sang Úc 0,69%…
Tuy nhiên, theo ông Kiên, tiềm năng để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu xoài còn rất lớn, bởi kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam chỉ chiếm 1,51% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của thế giới.
Theo ông Kiên, tổng diện tích sản xuất xoài ở 13 địa phương ĐBSCL hiện đạt trên 47.000 héc ta với sản lượng đạt gần 568.000 tấn, trong đó, Đồng Tháp đạt 12.106 héc ta; An Giang 11.896 héc ta; Vĩnh Long 5.103 héc ta; Tiền Giang 3.660 héc ta…
Tổng diện tích sản xuất lớn, nhưng theo ông Kiên, diện tích áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VIETGAP và GLOBALGAP) chỉ đạt 1.789 héc ta, chiếm chỉ 3,8% tổng diện tích toàn vùng.
Còn về doanh nghiệp đóng gói, chế biến, theo ông Kiên, toàn vùng ĐBSCL có 98 doanh nghiệp chế biến, trong đó, TP Cần Thơ có 9; Tiền Giang 27; Long An 9; Hậu Giang 4; Đồng Tháp 17; Vĩnh Long 16…, tuy nhiên, chỉ có 15 doanh nghiệp sơ chế, chế biến xoài đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Toàn ĐBSCL có 271 vùng trồng được cấp mã số (mã số vùng trồng – một trong các tiêu chuẩn bắt buộc được nhiều quốc gia nhập khẩu quy định), trong đó, Đồng Tháp có 109 vùng trồng được cấp mã số; An Giang có 63; Hậu Giang 36; Tiền Giang 15; Trà Vinh 14…
Ông Kiên cho biết, mục tiêu đến năm 2030, diện tích xoài đạt 140.000 héc ta với sản lượng thu hoạch 1,5 triệu tấn, mang về cho Việt Nam tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu đô la Mỹ.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Kiên cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai thực hiện dự án nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ĐBSCL. “Đồng thời, sẽ triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu, tạo kết nối trao đổi giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài”, ông cho biết.
(KTSG Online)